Mối quan hệ giữa học và hành, từ “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

Đề tài: Từ bài “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, hãy nêu suy nghĩ về mối quan hệ giũa học và hành.

huong dan lam bai moi quan he giua hoc va hanh

Như chúng ta đã biết, học tập là nhiệm vụ rất quan trọng đối với mỗi con người. Học cho ta tri thức, cho ta hiểu về xã hội về đời sống thực tại. Tuy nhiên, học thôi chưa đủ, muốn vốn tri thức trở nên thực dụng, chúng ta cần áp dụng kiến thức đã học vào đời sống. Điều này đã được nhận ra từ xa xưa và được nêu lên trong đoạn trích “Bàn luận về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Ngày hôm nay, Thủ Thuật Nhanh sẽ cùng các bạn tìm hiểu về sự tương quan giữa học và hành thông qua đoạn trích “Bàn luận về phép học” nhé.

Trong thực tiễn, học tập cần được kết hợp với thực hành

I. Dàn ý làm bài

dan y lam bai moi quan he giua hoc va hanh

1. Mở bài

– Nêu khái quát mối quan hệ giữa học và hành trong đời sống.
– Khẳng định sự đúng đắn của ý kiến mà La Sơn Phu Tử ( Nguyễn Thiếp) nêu ra trong “ Bàn luận về phép học”.

2. Thân bài

a) “ Học” và “hành” là gì ?

– Học : là quá trình tiếp thu, bổ sung, trau dồi tri thức, kĩ năng, cái mới, cái hay một cách có chọn lọc. Đó là cả một quá trình dài lâu và không bao giờ ngừng
– Hành : Hành là thực hành, áp dụng kiến thức sẵn có vào trong thực tiễn.
=> Như vậy, học và hành có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ, bổ trợ và luôn song hành cùng nhau.

b) Tại sao “học” phải đi đôi với “hành”?

– Ông bà ta nói “ học đi đôi với hành” quả không sai bởi :

* Nếu chỉ học :

– Kiến thức chỉ dựa vào lí thuyết, khó có thể ứng biến được những vấn đề phát sinh bất ngờ trong cuộc sống.
– Thực tiễn và lí thuyết khác hẳn nhau, nếu như chỉ học thì tất cả chỉ được giới hạn trên trang sách.
– Trở thành những con “ mọt sách “, thiếu kĩ năng về những vấn đề thực tiễn.

* Nếu chỉ hành :

– Mọi việc làm đều không thành hoặc không đạt được kết quả tốt vì không có kiến thức.
– Trong quá trình làm sẽ khó khăn, loay hoay vì không có nền tảng.

* Nếu biết kết hợp cả hai :

– Mọi việc làm sẽ tốt hơn vì có lí thuyết làm cơ sở để thực hành và thực hành thì rút ra thêm được kiến thức thực tiễn ngoài sách vở.
– Rèn luyện được kĩ năng sống.
– Góp phần làm sinh động hoá những hình ảnh, những chữ cái, con số trên sách vở, tác động sâu vào trí não giúp nhớ lâu.

c) Làm thế nào để “học” và “ hành” một cách hiệu quả?

– Như Nguyễn Thiếp đã từng nói, cần theo điều học mà làm, để học và hành được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, có ích cho bản thân, chúng ta cần:
+) Đối chiếu kiến thức được học với tình hình thực tại. Rồi từ thực tại lại rút ra bài học chính xác nhất.
+) Cần giải đáp những điểm sai lệch giữa kiến thức trong sách vở và trong cuộc sống để hiểu rõ vấn đề.
+) Tiếp thu kiến thức bằng tinh thần cầu thị, ham học hỏi.

3) Kết bài

Kết luận lại tầm quan trọng của việc kết hợp học và hành trong thực tại. Khẳng định lại lần nữa rằng phương pháp học của Nguyễn Thiếp là hoàn toàn đúng đắn.

II. Bài văn mẫu “Mối quan hệ giữa học và hành”

Trong đoạn trích “Bàn về phép học” của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, ông có viết: “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”. Có rất nhiều phương pháp để học tốt nhưng với mỗi một người lại có phương pháp riêng phù hợp với khả năng của từng người. Nhưng chung quy lại, để học tốt được thì điều quan trọng nhất chính là việc kết hợp giữa “học” và “hành”, hay nói cách khác là áp dụng được kiến thức đã học vào đời sống, thực tiễn.

Nói đến “học” và “hành”, ta thấy đây là hai khái niệm tương đối quen thuộc. Trước hết, ta sẽ nói về “học”. “Học” là quá trình tiếp thu, bổ sung, làm mới kiến thức của bản thân, trau dồi vốn hiểu biết, tìm tòi, khám phá kho tàng tri thức của nhân loại,…. Học không chỉ ở một giai đoạn nhất định mà là học cả đời, tiếp thu cả đời, như vị lãnh tụ vĩ đại – Lê- nin đã từng nói :” Học, học nữa, học mãi”. Sở dĩ quá trình học của mỗi chúng ta cần kéo dài bởi kho tri thức của nhân loại là vô tận và thời đại chúng ta đang sống luôn luôn đổi mới.

“Hành” ở đây là thực hành, là áp dụng kiến thức được học vào đời sống thực tiễn. Từ những công thức trong khái niệm, ghi nhớ mà ta áp dụng được vào làm bài tập. Hay từ những câu chuyện có trong sách vở mà ta rút ra được bài học cho bản thân. Như vậy, qua đó, ta có thể “học” và “hành” có một mối quan hệ vô cùng chặt chẽ, có “học” thì mới có “hành” mà “hành” sẽ giúp ích cho “học”. Ta có thể khẳng định rằng phương pháp mà Nguyễn Thiếp đưa ra là hoàn toàn đúng đắn đối với mỗi chúng ta.

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu như muốn học tốt thì cần phải biết áp dụng cả hai điều trên. Khi học, nếu như chỉ biết chăm chăm vào lí thuyết, hiểu lí thuyết và làm bài tập trên sách vở thì khó có thể ứng xử được tình huống thực tiễn. Mỗi người dường như tự biến mình thành một con mọt sách, không ra ngoài, không tìm hiểu, không va chạm để thấy những điều trong sách vở đã được cụ thể hoá ngoài cuộc sống. Giải như trong môn Sinh học, nếu như chỉ biết quan sát hình thái của cây trên sách giáo khoa thì khó lòng nào có thể hình dung được, tuy nhiên, nếu được nhìn ngoài đời thực, mọi thứ sẽ sinh động hơn, gần gũi hơn và dễ quan sát hơn. Người ta vẫn thường nói rằng học để phục vụ cho cuộc sống, cho bản thân nhưng nếu chỉ biết dựa vào lí thuyết không thì không được gọi là học có ích.

thuc te chung minh chi toan hoc thoi la vo dung

Thực tế đã chứng minh nếu chỉ học không thi việc học là hoàn toàn vô tác dụng

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có câu: “Nhiệt tình cộng ngu dốt bằng phá hoại”, một người có biết về thực hành đến đâu mà không có kiến thức từ học tập thì cũng vậy. Chẳng hạn như khi sản xuất một thiết bị, máy móc thì người thiết kế, lắp đặt phải có trình độ chuyên môn nhất định, phải theo đúng lí thuyết mà làm, không thể khác được. Vậy nên, nếu không có lí thuyết làm nền tảng thì việc thực hành sẽ gặp khó khăn. Chưa kể ở việc kết quả đạt được sẽ không được như mong muốn và thậm chí là thất bại hoàn toàn. Bởi lẽ tất cả đều bắt nguồn từ kiến thức. Kiến thức của mỗi người lại vô cùng nhỏ bé so với của toàn nhân loại, giống như một giọt nước so với đại dương. Vậy nên nếu như không kịp bồi bổ, trau dồi, dù có thực hành nhiều năm, nhiều kinh nghệm nhưng không thể thích nghi được với những cái mới, khiến mình bị tụt hậu so với xã hội, mất chỗ đứng trong công việc. Cũng chính vì vậy, học tập cũng là một điều cực kì quan trọng. Nếu như biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa học và hành, con người sẽ ngày càng tiến bộ. Khi học trên sách, lượng kiến thức sẽ không được đầy đủ như ta thường thấy nhưng khi học tập kết hợp với thực tiễn, quan sát những điều ta học trong thực tiễn thì không chỉ khiến ta hiểu rõ hơn bản chất vấn đề mà còn làm lượng kiến thức được đầy đủ, phong phú hơn, giúp bản thân rèn luyện được nhiều kĩ năng cần có hơn.

Và để học tốt, nhất định phải áp dụng được cả hai điều trên. Vậy, làm thế nào để kết hợp tốt cả hai điều trên ? Trước hết, ta cần nắm chắc kiến thức trên lớp, hiểu rõ bản chất vấn đề. Khi gặp một hiện tượng trong cuộc sống, hãy cố gắng nhớ lại xem có liên quan gì so với những điều mình được học, từ đó sẽ giúp ta hiểu rõ hơn, sâu hơn và nhớ kĩ hơn về vấn đề đó. Đôi khi trong thực tiễn,có những điều mà trong sách vở không có,ta cần phải giải đáp được điều đó bằng cách tự chính mình tìm hiểu hoặc nhờ bạn bè, người thân. Hãy áp dụng những điều ta học được trên sách vở để giải thích những hiện tượng trong cuộc sống để có thể hiểu trọn vẹn về những điều xung quanh ta.

Như vậy, để học có hiệu quả, có ích cho cuộc sống thì áp dụng cả “học” và “ hành” là điều tất yếu. Để có thể làm được điều đó là hoàn toàn không khó, chỉ cần người học có ý chí tiến thủ, tinh thần ham học hỏi, trau dồi kiến thức và cố gắng áp dụng kiến thức được học vào trong cuộc sống.

III. Kết luận

Trên đây là một số gợi ý cho bạn về vấn đề Mối tương quan giữa học và hành. Hy vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn. Chúc các bạn học tập tốt và áp dụng phương pháp trên vào học tập để khiến việc học của bạn trở nên dễ dàng và có ích hơn nha!!

Những bài liên quan

Back to top button