Tuổi trẻ và tương lai đất nước – Bài văn mẫu của học sinh chuyên
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta hết mực quan tâm tới các cháu thiếu niên nhi đồng, đoàn thể thanh niên trên cả nước. Bởi lúc đó, Người nhận thức được rằng tương lai của đất nước mai sau đều phụ thuộc vào các em, Tổ quốc mai sau đều do các em làm chủ. Vì thế, trong xã hội ngày nay, giáo dục cho tâm hồn và tri thức cho trẻ em luôn là quốc sách hang đầu mà Đảng và Nhà nước đặt ra. Và ở đâu đó trong những môi trường sư phạm, ta thường bắt gặp những khẩu hiệu về tuổi trẻ. Bởi vậy, ta thấy được, “Tuổi trẻ và tương lai đất nước” luôn là nhiệm vụ, là trách nhiệm của mỗi người.
Nội dung chính
1.”Tuổi trẻ và tương lai đất nước” nghĩa là gì?
Nhắc đến “tuổi trẻ”, ta thường hay nghĩ đến một cụm từ rất quen thuộc đó là “Thanh xuân”. Vậy, “tuổi trẻ’ là gì và nó có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc đời của mỗi con người? Đó là một từ ngữ được định nghĩa bằng khoảng thời gian – là lúc mà con người còn dồi dào sức khoẻ, còn tươi trẻ và là giai đoạn đẹp nhẽ nhất cuộc đời. Tuổi trẻ có thể được tính từ khi ta sinh ra đến khi lớn lên và lập gia đình. Tuổi trẻ là cả một quá trình rèn luyện khổ cực, vất vả để thành người nhưng cũng chính là nguồn rễ cho cuộc đời mai sau. Cũng có thể coi tuổi trẻ của mỗi con người là một cây thân non, cần được nuôi dưỡng, lớn lên bởi nhiều yếu tố khác nhau và đặc biệt là phải được uốn nắn một cách đúng đắn để có thể dâng cho đời những quả ngọt, hoa thơm. Trong thời kì ngày nay, tuổi trẻ được coi là những chủ nhân tương lai của đất nước, hồn nhiên, ngây thơ nhưng là cái nhìn khách quan về sự phát triển của đất nước sau này.
Bên cạnh đó, “tương lai đất nước” cũng là một vấn đề rất được quan tâm. Đó là mong ước của bao nhiêu người về một đất nước giàu mạnh hơn, phát triển hơn, đưa được nhiều nét văn hoá đặc sắc hơn nữa đến với thế giới. Để con người Việt Nam được ngẩng cao đầu trên đường trường quốc tế, để dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc hùng mạnh trên thế giới. Từ xưa đến nay, cha ông ta luôn luôn đấu tranh vì một tương lai đất nước độc lập, còn ngày nay, thế hệ trẻ cần cố gắng vì một tương lai phát triển, văn minh hơn. Nói tóm lại, “tương lai đất nước” chính là hệ quả của thời điểm hiện tại.
2. Tại sao lại gắn liền “Tuổi trẻ” với “tương lai đất nước”?
Đất nước có giàu mạnh, có phát triển là phụ thuộc vào con người, mà tuổi trẻ lại chính là tương lai của đất nước. Tuổi trẻ nhiệt huyết, năng động, biết toả sáng là tuổi trẻ có ích. Một cuộc đời biết cố gắng hết mình vì đất nước dù là lớn hay nhỏ là cuộc đời có công. Bước tiến của một dân tộc phụ thuộc vào sức đẩy của mỗi người dân, phụ thuộc vào sự cố gắng phát huy tiềm tàng bản thân của mỗi cá thể. Phải, tuổi trẻ là tuổi mà ta còn dồi dào nhiệt huyết, sáng tạo, tuổi trẻ quyết định vận mệnh của đất nước. Và hơn bao giờ hết “ Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, tuổi trẻ có cố gắng thì đất nước mới đi lên, tuổi trẻ có vất vả thì đất nước mai này mới thịnh vượng
Trong thời kì đất nước lâm nguy, lực lượng nòng cốt tham gia vào chinh chiến lại là tầng lớp thanh niên trai tráng, thậm chí là cả những em thiếu niên nhi đồng dũng cảm. Ta từng nghe qua những tấm gương trẻ tuổi đã không ngại hi sinh vì hoà bình dân tộc. Thanh niên không chỉ ra mặt trận mà còn góp phần làm nên hậu phương vững chắc, tiếp sức cho các chiến sĩ chiến đấu trước nòng súng quân thù.
Tuổi trẻ ngày nay sống trong hoà bình, sống trong thành quả của xương máu, của những tháng ngày chiến tranh thảm khốc. Tuổi trẻ lớn lên trong điều kiện vật chất đầy đủ, được yêu thương,chăm nom chu đáo bởi gia đình, nhà trường và xã hội. Đó chính là những điều kiện nền tảng để tuổi trẻ phải biết phấn đấu vì mục đích lí tưởng
Bên cạnh đó, tuổi trẻ có trách nhiệm với lịch sử của đất nước, phải giữ gìn lịch sử dân tộc, đồng thời kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà thế hệ trước để lại, cũng như thực hiện theo chủ đề quen thuộc của Đội TNTP Hồ Chí Minh :” Măng non đất nước/Tiếp bước cha anh”.
Thế hệ trẻ cần phải nhận thức đúng đắn đâu là cái hay, cái đẹp của văn hoá dân tộc,đặc biệt là học tập theo Bác Hồ- tấm gương đạo đức sáng nhất của dân tộc Việt trong việc lĩnh hội bản sắc phương Tây, kết hơp với bản sắc phương Đông để tạo ra một cái mới nhưng vẫn không hề mất đi tính Việt Nam của nó. Từ đó, đưa những nét văn hoá ấy đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Không chỉ vậy, “tiếp bước cha anh” còn là học tập những phẩm chất đạo đức truyền thống của con người Việt Nam : ngay thẳng, thuỷ chung, bất khuất, chịu thương chịu khó,…
Và cho đến bây giờ, tuổi trẻ Việt Nam vẫn luôn làm theo lời Bác dạy, vẫn cố gắng ra sức học hành, thực hiện nhiệm vụ và trọng trách của bản thân, xông xáo hơn, năng động hơn, nhiệt huyết hơn và đặc biệt là có trái tim ấm áp hơn. Cũng chính vì thế mà không khó để bắt gặp những mảnh đời lớn vun đắp, giúp đỡ những mảnh đời nhỏ, những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, bắt nguồn từ bộ óc sáng tạo của tuổi trẻ hôm nay.
3. Tuổi trẻ cần có trách nhiệm như thế nào để tương lai đất nước tươi đẹp ?
Đứng trước trách nhiệm lớn lao đối với Tổ quốc, tuổi trẻ trước hết phải xác định được mục tiêu, mục đích sống lí tưởng đúng đắn. Nhờ có mục tiêu đó mà ta có hành động, điều khiển lí trí của bản thân làm những việc có ý nghĩa. Chưa kể ở đó, cần phải biết hoàn cảnh thực tại của bản thân để có cách sống phù hợp, nói không với việc a dua, đu đòi theo phong cách của người khác. Cần tránh xa các tệ nạn xã hội, vượt qua mọi cám dỗ không lành mạnh để không trở thành người hư hỏng, cặn bã của xã hội.
Tiếp đến là tìm ra tấm gương, lí tưởng mà mình noi theo, đó cũng được coi là mục đích nhưng rõ rang và cụ thể hơn. Hành động phải quyết liệt, đúng đắn, luôn dũng cảm và xông xáo trong các chiến dịch xã hội. Có chí hướng và không gian khó để thực hiện chí hướng đó. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn thanh niên :
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Nhưng việc cần làm quan trọng nhất đó chính là ra sức học tập vì học tập là đường dẫn ngắn nhất tới vinh quang, là biện pháp tốt nhất để có một tương lai tươi sáng. Kèm theo đó là tích cực rèn luyện đạo đức, nề nếp kỉ cương khi còn ngồi trên ghế nhà trường, biết áp dụng những gì đã học vào thực tế và học cách tự tạo cho mình nhiều thói quen tốt, một lối sống lành mạnh.
4.Trách nhiệm của gia đình và xã hội :
Việc làm nên một thế hệ trẻ tài năng, cống hiến là trách nhiệm không chỉ của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Gia đình cần phải sát sao hơn trong việc giáo dục con cái, cố gắng lắng nghe để thấu hiểu con, để trờ thành những ông bố, bà mẹ thông thái. Mỗi gia đình cần có trách nhiệm đặt vấn đề học hành của con em lên hang đầu, giúp chúng định hướng được ước mơ, hoài bão sau này.
Người ta thường nói : Cha mẹ là tấm gương lớn nhất để con noi theo. Cha mẹ sống am hiểu, có văn hoá thì con cũng sẽ là người có ích cho xã hội. Ngược lại, trong mái ấm của chính mình, con trẻ phải chứng kiến những cảnh ngược đãi từ cha mẹ hay những nếp sống vô văn hoá, thiếu đạo đức thì phần nào chúng đã ngấm ngầm cái xấu ấy. Bởi thế, những bậc sinh thành phải biết sống sao cho chuẩn mực để thế hệ sau học tập theo.
Trách nhiệm của nhà trường là phải uốn nắn cho các em về nề nếp, chuẩn bị hành trang vững chắc để các em tiến bước vào thời kì mới, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Thầy cô giáo không chỉ đóng vai trò là người truyền tải tri thức mà còn mang trách nhiệm truyền cảm hứng tâm hồn, thắp sáng ngọn lửa ước mơ mãi bay cao, bay xa. Tuy thế, học tập thôi là chưa đủ, trẻ em cần được tham gia các hoạt động xã hội để có nếp sống lành mạnh, rèn luyện và hoàn thiện bản thân mình qua việc học hỏi các kĩ năng.
Các tổ chức xã hội phải quan tâm thế hệ trẻ nhiều hơn nữa để chúng được lớn dần trong môt môi trường tốt. , đúng như tuyên bố của Liên Hợp Quốc trong Hội nghị cấp cao thế giới về quyền trẻ em :”Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc. Đồng thời chúng hiểu biết, ham hoạt động và đầy ước vọng. Tuổi chúng phải được sống trong vui tươi, thanh bình, được chơi, được học và phát triển. Tương lai của chúng phải được hình thành trong hoà hợp và tương trợ. Chúng phải được trưởng thành khi được mở rộng tầm nhìn, thu nhận thêm những kinh nghiệm mới.”
5.Kết luận
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, những người khi còn ở giai đoạn “tuổi trẻ” cần biết cố gắng, phải biết toả sáng để thanh xuân không uổng phí, làm đẹp thêm những kí ức để khi nhớ lại vẫn còn nguyên cảm xúc xao xuyến, bồi hồi. Bên cạnh đó, nuôi lớn tuổi trẻ cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố xung quanh. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau chung tay vì thế hệ năng động, trí tuệ, vì một tương lai đất nước giàu đẹp, văn minh.