Văn Học và Tình Thương: Hướng dẫn làm bài

Hướng dẫn làm bài nghị luận: “Văn học và Tình thương“. Dàn ý và bài viết mẫu dành cho học sinh yêu thích môn văn học. Tham khảo cho học sinh chuyên văn.

nghi luan van hoc va tinh thuong

I . Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: “mối quan hệ giữa văn học và tình thương”.

2. Thân bài

a, Giải thích

– Văn học là gì?

– Tình thương là gì?

-> Khái quát ý nghĩa cả câu

b, Bàn luận, chứng minh

  • Văn học giúp con người ta biết cảm, thương xót cho những số phận bất hạnh.
  • Văn học giúp ta biết trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp của con người về nhan sắc và phẩm hạnh.
  • Văn học giúp con người ta dám lên tiếng tố cáo, phê phán những thế lực chà đạp lên quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của con người.
  • Văn học giúp ta biết thấu hiểu, nâng niu, đề cao ước mơ của con người.
  • Ngoài ra, văn học còn khiến chúng ta tự hào và yêu quý quê hương, đất nước mình.

c, Đánh giá

3. Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề và nêu ra suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

huong dan lam bai nghi luan van hoc va tinh thuong

II . BÀI MẪU “VĂN HỌC VÀ TÌNH THƯƠNG”

Mỗi tác phẩm văn học đều để lại những giá trị sâu sắc riêng đối với người đọc. Có tác phẩm vừa ra đời đã chết yểu đáng thương, chẳng một ai hay biết. Hay có những tác phẩm được lưu truyền qua bao đời, nhưng vẫn sống mãi trong lòng người đọc. Cái hay của người nghệ sĩ là phải làm như thế nào để “ đứa con tinh thần” của mình được người đời công nhận và gìn giữ phát huy. Chính vì vậy mà điều quan trọng làm bật lên giá trị của văn học là tình thương nhân loại.

Văn học có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống tinh thần của con người. Thế nhưng mấy ai có thể định nghĩa được văn học là gì? “Văn học” nói một cách nôm na chính là những tác phẩm nghệ thuật, là kết quả của quá trình lao động trí óc – những giá trị lớn về tư tưởng, thẩm mỹ của con người. Còn “ tình thương” là lòng nhân đạo, nhân ái giữa con người với con người trong cuộc sống. Mà ở lòng nhân đạo ấy, tác giả sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của mình để gửi gắm cho người đọc những ý nghĩa đầy sâu sắc. Tình yêu thương qua văn học là sự cảm thông, thương xót cho số phận con người; là trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp của con người; lên án, tố cáo những thế lực chà đạp lên quyền sống của họ. Để rồi thông qua đó thể hiện sự thấu hiểu nâng niu đối với ước mơ của người đời.

Từ xa xưa, văn học Việt Nam ta đã có biết bao câu thơ, câu ca dao, tục ngữ bày tỏ sự cảm thông, thương xót với số phận bất hạnh của gười phụ nữ:

“ Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.”

Hay:

“ Thân em như dải lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.”

Trong cái chế độ trọng nam khinh nữ ấy, người phụ nữ của chúng ta phải chịu biết bao tủi nhục. Từng câu thơ, câu văn như khắc sâu vào trái tim người đọc sự đau buồn đến tuyệt vọng của họ. Nhà thi sĩ đã bày tỏ sự cảm thương, sẻ chia qua từng câu văn để giãi bày nỗi bất bình trong tâm trí của mình. Để rồi từ những câu ca dao, tục ngữ ấy mà sau này người phụ nữ đã được trân trọng, đối xử công bằng hơn. Ta đã biết đến tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Dữ. Tác phẩm được viết vào thế kỉ thứ XVI, và nhà văn là người đầu tiên đặt ngòi bút nền móng khai thác đề tài người phụ nữ. Ông đã ca ngợi vẻ đẹp nhan sắc và nhân phẩm của nhân vật một cách tuyệt đẹp. Vũ Nương- người con gái đã “ thùy mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp”. Bằng cái nhìn thấu đáo và tinh tế của mình về xã hội phong kiến lúc bấy giờ mà tác giả đã phản ánh một cách chân thực, rõ nét về hiện thực cuộc sống. Để rồi, từ đó ta thấy được sự cảm thông mà tác giả dành cho nhân vật của mình nói riêng, và người phụ nữ khi xưa nói chung. Điều quan trọng ở đây là mỗi người thi sĩ đều đã thành công khi họ có thể giúp độc giả biết cảm thông, xót xa cho những số phận bất hạnh ngoài xã hội.

Hơn thế nưa, đến thế kỉ thứ XIX, đại thi hào Nguyễn Du đã tiếp tục làm nổi bật vẻ đẹp cùa người phụ nữ thông qua kiệt tác “Truyện Kiều” của mình. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên đẹp và toàn diện hơn bao giờ hết. Điều đó được thể hiện qua 24 câu thơ tả Thúy Vân và Thúy Kiều. Trong tác phẩm, chúng ta bắt gặp một xã hội thối nát, đầy cảnh ngang trái, đã phản ánh bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị, và lên án sức mạnh tác oai tác quoái của đồng tiền làm tha hóa con người. Đồng tiền làm điên đảo xã hội: “ dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Đồng tiền đã dẫm lên lương tâm con người, làm cho con người bị tha hóa, khiến bao kiếp người phải chịu khổ sở, chịu cảnh li biệt 15 năm trời. Nhưng hơn hết vẫn còn thể hiện cách nghĩ, cách nhìn mới mẻ của tác giả. Hay giữa dòng văn học hiện thực trước Cách Mạng Tháng Tám, tác phẩm “ Chí Phèo” cùa nhà văn Nam Cao đã khẳng định thành công những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người nông dân nghèo đói bần hàn, nhưng vẫn không bị tha hóa giữa cái xã hội thối nát. Có thể thấy hình tượng nhân vật Thị Nở chính là chi tiết lớn làm nên giá trị nhân văn cho toàn tác phẩm. Bởi nhờ có Thị mà Chí nhìn ra được những hành động sai trái trước kia của mình. Sau đó, Chí đến nhà Bá Kiến hét lên tiếng hét nhức nhối, làm thức tỉnh biết bao người đọc: “ Ai cho tao lương thiện”. Thế rồi kết thúc tác phẩm là cảnh Chí chết- một kết thúc được xem như là phần nào có hậu, để Chí không phải sống trong đau khổ và bi thương. Nhưng kiếp đời luôn là vậy chẳng bao giờ ngừng lại, chi tiết cuối bài Thị nhìn xuống bụng mình rồi lại nhìn ra cái lò gạch bị bỏ hoang đã báo hiệu những tấn bi kịch sẽ còn tiếp diễn. Hơn thế nữa không chỉ người lớn mà ngay cả những đứa trẻ cũng phải sống trong cuộc sống tù túng, tẻ nhạt, và sự ghét bỏ của người thân. Chính Nguyên Hồng đã là nhà văn khắc họa thành công “ những rung động cực điểm của một tâm hồn trẻ dại” qua nhân vật bé Hồng của tác phẩm “ Những ngày thơ ấu”. Hẳn nhà văn phải là người có trái tim nhân hậu bao la thì mới có thể viết ra những áng văn tha thiết đến vậy. Và cứ như thế, cuộc sống bất hạnh của nhân vật được chuyển hóa vào trái tim người thi sĩ, thôi thúc trong họ tình yêu thương vô tận.

Để rồi, qua mỗi trang văn trang thơ, ta thấy được tác giả đang tố cáo, lên án những thế lực chà đạp lên quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người. Nhà văn Nguyễn Dữ thông qua tấn bi kịch của Vũ Nương, ông đã tố cáo chế độ nam quyền của xã hội phong kiến, mà ở đó hôn nhân không có tình yêu và tự do. Hay là do cuộc chiến tranh phi nghĩa đã đẩy người phụ nữ đến cảnh phải tự vẫn để giữ được tấm lòng trinh bạch của mình. Đau xót hơn là khi ta đọc tác phẩm “ Tắt đèn” của Ngô Tất Tố. Cái cảnh bé Tí với bát cơm thừa của chó nhà Nghị Quế đã khiến cho người đọc xót thương biết nhường nào. Có thể thấy, chính “ nghệ thuật đã mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn cũng được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn” ( Nguyễn Đình Thi).

Và thông qua sự cảm thông, chia sẻ ấy nhà văn , nhà thơ đã thấu hiểu và nâng niu, đề cao ước mơ, khát vọng của người đời. Ước mơ đó là một cuộc sống hạnh phúc, tự do, bình đẳng. Ước mơ về điều thiện, điều tốt lành, mà ngay từ xưa kia qua mỗi câu chuyện cổ tích, thần thoại nhân dân ta đã phản ánh khát khao có được.
Ngoài ra, văn học còn giúp con người ta biết yêu quê hương, đất nước, yêu xóm làng, trân trọng từng cảnh đẹp thiên nhiên, hay thậm chí là điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Ta đã từng đọc những dòng thơ đầy cảm xúc của nhà thơ Tế Hanh qua bài thơ “ Quê hương” :

“ Làng tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”

Không cầu kì, hoa mĩ, bằng lời văn chân thành của mình tác giả đã gợi đến cho người đọc tình yêu quê hương tha thiết. Hay trong bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá” của tác giả Huy Cận, ta cảm nhận được tình cảm chân thành của ông xuất phát từ những điều bình dị nhất trên mảnh đất ấy:

“ Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng.”

Chỉ đơn giản là một con thuyền đánh cá, nhưng tác giả đã đưa chúng vào thơ ca một cách hết sức kì vĩ và tráng lệ. Giống như nhà văn I-ly-a Ê-ren-bua có viết: “ Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng trước cửa nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua chát của trái lê mùa thu, hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh… lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.

Qua biết bao thời đại, nhưng mỗi tác phẩm văn học ra đời đều có sức mạnh nhân văn vô cùng to lớn. Mà ở đó nhà văn , nhà thơ gửi gắm cho chúng ta “ một lá thư, một lời nhắn nhủ bổ ích”. Đó chính là yếu tố hướng con người ta tới các giá trị chân- thiện – mĩ trong cuộc sống. Để từ đó chúng ta có thể hoàn thiện nhân cách của bản thân trở thành một người tốt.

van mau van hoc va tinh thuong

III . Lời kết

Trên đây là bài văn tham khảo của mình cùng Thủ Thuật Nhanh chia sẻ với các bạn. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của mình! Chúc các bạn học tập tốt.

Xem thêm những đề tài văn học khác:

Những bài liên quan

Back to top button