Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta
Chúng ta – bất kì một ai đều đang sống trong vòng tay âu yếm của mẹ thiên nhiên, được nuôi nấng bởi tạo hoá, được lớn lên bởi các yếu tố tự nhiên xung quanh. Con người chung sống trên một hệ sinh thái khổng lồ, hay còn gọi là ngôi nhà chung mang tên Trái đất. Thế nhưng, bạn có cảm nhận rằng ngôi nhà chung ấy đang ngày càng xấu đi, tình hình thiên nhiên đang ngày càng bất ổn? Nói như vậy có nghĩa là chúng ta cần phải suy nghĩ lại về vai trò và trách nhiệm của chính bản thân mình bởi “bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta”.
Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta
Trước tiên, để bảo vệ “người bạn lớn”- môi trường, ta cần phải hiểu đó là gì và có tác động như thế nào đối với đời sống của con người. Môi trường là những thứ xung quanh chúng ta, không phải do bàn tay con người làm ra mà tất cả được tạo nên từ bàn tay của tạo hoá. Từ nước, không khí, đất,… đều là những thành phần của môi trường. Mẹ thiên nhiên sinh chúng ra, ban cho chúng những hình hài, trạng thái khác nhau nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của con người.
Như ta đã biết, nước là không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Dòng nước mát lành xối qua những dòng suối, đến những con sông hiền hoà rồi đổ ra biển cả bao la đều rất quan trọng. Hay những tấc đất phù sa màu mỡ nuôi lớn cây trồng, nuôi lớn cả con người. Hay bầu không khí vô hình mà ta không thể nhìn thấy,…. Tất cả, tất cả đều là những đứa con lâu đời của tạo hoá. Thế nhưng, một thực trạng đáng lo ngại đó chính là những đứa con ấy dường như đang mắc phải những “căn bệnh” trầm trọng do quá trình khai thác và sử dụng của con người. Cũng chính vì thế, môi trường tuy lớn, phong phú và đa dạng nhưng lại cần sự bảo vệ chở che của toàn nhân loại.
Đời sống con người gắn liền với môi trường, nếu như nó xấu đi tức là cuộc sống của chúng ta cũng sẽ chẳng tốt đẹp. Ngược lại, nếu như ai ai cũng chịu dùng đôi bàn tay của mình để xoa dịu đi nỗi đau mà thiên nhiên đã phải gánh chịu, mọi thứ chẳng phải sẽ tốt hơn rất nhiều sao?
Bạn hãy thử nghĩ mà xem, mỗi ngày bạn thức dậy với bầu không khí như thế nào? Mỗi ngày ra đường bạn cảm thấy không khí xung quanh ra sao? Chắc hẳn câu trả lời sẽ là “ Khác hẳn so với trước”. Phải, chính là như vậy. Trong những năm gần đây, khí hậu đang ngày càng nóng hơn bao giờ hết, mùa hè thì ngột ngạt khó chịu, mùa đông cũng không còn quá lạnh so với trước. Không phải vì do đặc điểm khí hậu sẵn có mà là do bầu không khí. Cứ mỗi ngày, mỗi ngày, hàng triệu phương tiện giao thông “hô hấp” trên khắp các tuyến đường, không chỉ tiêu tốn nhiên liệu mà còn thải biết bao tấn khí thải, làm mất đi sự trong lành của bầu không khí, làm khói bụi trong bầu khí quyển tăng lên. Thậm chí, có nhiều thành phố sống trong ô nhiễm thậm tệ, mỗi sang thức dậy là phải chứng kiến cảnh ùn tắc giữa chốn sương mù dày đặc. Tuy thế những con người chỉ biết “cắn răng” mà chịu đựng, ngoảnh mặt làm ngơ trước tình hình này. Chính những nguyên do làm Trái Đất nóng lên, dẫn đến hiệu ứng nhà kính, làm băng của hai cực tan ra, mực nước biển dâng lên.
Theo thống kê , Indonesia là nước sở hữu thành phố “ngập sâu” nhất trong nước biển, sau đó là hàng loạt các thành phố lớn khác của châu Á. Nhiệt độ cao còn là nguyên nhân giết chết rừng già của chúng ta. Những tán cây xanh nhiệt đới vẫn đang thoả mình làm đẹp cho đời, vẫn đang thực hiện nhiệm vụ lọc khí, ngày đêm tận tuỵ góp phần cứu vớt cuộc sống con người, một rừng già xanh mướt bỗng dưng bị thiêu rụi trong lửa đốt. Khói lửa đã thiêu đốt tất cả, thiêu đốt một phần của môi trường, thiêu đốt một phần cuộc sống con người. Nếu như con người biết bảo vệ bầu không khí thì mọi chuyện sẽ khác. Mỗi sáng thức dậy sẽ không còn là cái ngột ngạt của một bầu không khí đầy bụi mà là sự trong lành, là kết tinh của những thứ thuần tuý nhất của thiên nhiên, mới nghĩ đến thôi mà đã cảm thấy rất tuyệt rồi phải không nào! Bên cạnh đó, rừng già sẽ không bị chôn vùi thành tro tàn mà vẫn sẽ giữ mãi màu xanh của nó , màu xanh của Trái Đất thân thương. Cuộc sống của con người sẽ không gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn như bây giờ. Vì vậy, bảo vệ bầu không khí chính là một việc làm vô cùng quan trọng để môi trường của chúng ta mãi xanh sạch.
Còn người bạn nước của chúng ta thì sao nhỉ? Có một thực trạng rất dễ nhận thấy đó chính là – nước đang ô nhiễm nặng nề. Những dòng sông hiền hoà uốn lượn mang trong mình những nét đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng giờ đây đã bị nhuốm đen bổi rác thải, dẫn đến vô vàn những bất tiện cho đời sống snh hoạt của con người. Mạch nước ngầm bị nhiễm chì nặng nề, dòng nước trong lành được ấp ủ bởi lòng đất giờ đây đã không còn sạch như trước. Nó thậm chí trở thành “tác nhân” gây hại cho sức khoẻ con người. Nhưng con người cũng đâu có biết rằng nó thành ra như vậy cũng vì chính chúng ta. Nơi biển trời bao la, không thể thiếu những chiếc thuyền to lớn, chở theo bao nhiêu hàng hoá, trong đó có dầu. Do sự bất cẩn, chủ quan của những chủ tàu mà những sự cố rò rỉ đã xảy ra, làm dầu chảy xuống biển. Nước biển xanh trong đã bị nhuốm đen, những sinh vật biển đáng yêu đã chết dần chết mòn trong mực nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, con người cũng đã tác động ít nhiều đến tình hiện tại của biển cả. Chỉ một hành động nhỏ, một ý nghĩ “Chỉ lần này thôi mà” của mỗi người khi có ý định xả rác, biết bao loài sinh vật vô tội đã chết, thậm chí xác của chúng còn trôi dạt vào bờ biển để nhắc nhở con người về sự báo động của môi trường.
Thế nhưng, lần này đến lần khác, tất cả chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, chứ chưa đánh sâu vào tiềm thức của nhân loại. Nếu như môi trường nước được bảo vệ thì sao nhỉ? Chẳng phải chúng ta sẽ có nguồn nước sạch để sống hay sao? Không còn ngày ngày lo sợ về nguồn nước mà mình đang sử dụng. Chúng ta sẽ chẳng phải chứng kiến những “vùng nước đen” xấu xí nữa, muôn nơi sẽ trở lại trạng thái ban đầu của nó. Những chú cá heo, cá mập,… sẽ không còn phải chết, con người sẽ không phải chứng kiến những cảnh tượng đáng thương, sẽ không phải chịu cơn gào thét của thiên nhiên khi một phần tử của nó đang xấu đi. Tất cả, tất cả sẽ không xảy ra….
Cuối cùng là mẹ đất thân yêu- thứ nuôi dưỡng ta từ thưở lọt lòng khi được bảo vệ cũng sẽ có rất nhiều nguồn lợi mang đến cho con người. Ấy vậy mà con người lại không thể bảo vệ được chính “ người mẹ “ của mình. Chất hoá học sau khi sử dụng con người ta vứt xuống đất. Những vỏ chai nhựa, những vỏ túi nilong khi không còn cần đến cũng vứt xuống đất,… Bao nhiêu thứ độc hại đều là lòng đất gánh chịu. Và con người thì không thể hiểu được rằng đất đai đang gồng mình lên để chống chọi lại với sự tàn nhẫn của loài người. Mỗi túi nilong phải mất khoảng 500 năm để phân huỷ hết, mỗi cục pin vứt xuống đất làm ô nhiễm một diện tích đất lớn và gây nguy hiểm đến ức khoẻ con người,…
Đó là một trong số rất ít những hậu quả mà con người phải gánh chịu khi làm hại chính “người mẹ” của mình. Đất cho ta trồng trọt, là nơi mà ta đứng bằng chính đôi chân của mình, đất là điểm khởi đầu cũng là điểm kết thúc của cuộc đời con người, vậy cớ gì ta lại “hãm hại” đất như vậy? Và như đã nói, chúng ta phải chịu vô vàn hậu quả khôn lường khi làm tổn thương đến lòng đất. Và tất nhiên rồi, nếu như “người mẹ” ấy được bảo vệ thì tức là những “đứa con” cũng sẽ được an lành. Đất được bàn tay con người xoa dịu, cải tạo lại sẽ mang đến nhiều lợi nhuận trong trồng trọt, giữ mãi được giá trị của nó, giúp con người phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, con người sẽ góp phần bảo vệ cảnh quan chính nơi mình sinh sống bằng cách giữ cho môi trường đất sạch sẽ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia công tác dọn rác cổ động việc bảo vệ môi trường sống xanh-sạch-đẹp (Ảnh minh họa)
Để được hưởng thụ những điều tốt đẹp trên, điều duy nhất chúng ta cần làm là có hành động thiết thực nhất. Trước hết là phải nhận thức được tình hình môi trường hiện tại, từ đó đề ra những việc mà mình cần làm để góp phần làm sạch, đẹp môi trường. Đi liền với ý nghĩ phải là hành động cụ thể. Từ những việc nhỏ nhất như : vứt rác đúng nơi công cộng, biết tái chế đồ nhựa đã qua sử dụng,…. đến những việc làm lớn hơn như : tuyên truyền, vận động mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động quyên góp quỹ trồng cây xanh,….
Không những thế, ý thức của con người thực chất là được hình thành từ lúc còn nhỏ, vì vậy, trong nhà trường cần giáo dục cho các em về tầm quan trọng của môi trường, đồng thời, giúp các em hình thành những thói quen vặt trong cuộc sống. Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của nhân dân ,mà còn là trách nhiệm của Nhà nước, cần có những biện pháp xử lí triệt để tình trạng chặt cây phá rừng,có hình thức xử lí nghiêm minh đối với những đối tượng cố tình vi phạm. Mọi người phải cùng nhau chung tay vì chính cuộc sống của bản thân mình.
Nói tóm lại, môi trường có vai trò hết sức quan trọng. Thế nhưng, rừng già đang khóc, biển rộng đang buồn, mẹ thiên nhiên đang gào thét trước nỗi đau những người con của mình bị phá hoại. Các bạn ạ, nếu như bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta thù tại sao tất cả lại không cùng nhau chung tay góp sức, mỗi người một chút công lao để vá lại mảnh rách trong cuộc sống này.