Những câu “Ca dao than thân” hay nhất của văn học Việt Nam
Ở thời đại nào cũng vậy, được nói lên suy nghĩ, tiếng lòng là nhu cầu và là quyền của mỗi con người. Ở trong tình cảnh xã hội cũ, chế độ cũ phong kiến, thực dân nửa phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột nặng nề, thế nên được chia sẻ, được nói lên sự khó nhọc, vất vả càng trở thành nhu cầu của người dân nhưng cái xã hội đó lại tước đi của họ cái quyền được lên tiếng ấy. Vì thế để được than, được tự thương cho số phận của mình, họ chỉ còn có thể gửi vào trong những lời ca, câu hát. Ấy được gọi là ca dao than thân.
Ca dao than thân (Ảnh minh họa)
Mỗi một câu ca dao, một câu hát than thân chính là một lời tự than, tự thương cho chính số phận của mình và cũng là lời xót thương cho nỗi đau khổ của đồng loại. Từ đấy, ca dao trở thành một nét đẹp trong tâm hồn và văn hóa của con người Việt Nam.
Dưới đây là những câu ca dao, những câu hát than thân khắc họa sinh động nhất hình ảnh thân phận của con người, của phụ nữ Việt Nam trong những ngày xã hội còn cơ cực. Hi vọng sẽ giúp ích phần nào cho các bạn!
Những câu ca dao than thân hay trong văn học dân gian Việt Nam
1. Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thách, xuống ghềnh bấy nay.
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con ?
2. Cơm cha áo mẹ đã từng,
Con đi làm mướn kiếm cơm lưng người
Cơm người khổ lắm mẹ ơi!
Chả như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn.
3. Con vua thì lại làm vua,
Con sãi ở chùa thì quét lá đa
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.
4. Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Cò về nuối cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.
5. Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai.
6. Cô kia cắt cỏ đồng màu
Chăn trâu cho béo làm giàu cho cha
Giàu thì chia bảy chia ba
Phận cô là gái được là bao nhiêu.
7. Thân ai khổ như thân con rùa,
Xuống sông đội đá, lên chùa đội bia
Thân ai khổ như thân anh kia,
Ngày đi cuốc bãi tối về nằm xuông.
8. Thân em làm lẽ chẳng nề
Có nhưu chính thất, ngồi lê giữa đường.
9. Thân em như hạt mưa rào,
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng đồng.
10. Thân em như trái bần trôi,
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu.
11. Thân em như củ ấu gai,
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi nếm thử mà xem
Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.
12. Thân em như con hạc đầu đình,
Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay.
13. Thân em vất vả trăm bề,
Sớm đi ruộng lúa, tối về ruộng cau.
Có lược chẳng kịp trải đầu,
Có cau chẳng kịp têm trầu mà ăn.
14. Thân em làm lẽ vô duyên
Mỗi ngày một trận đòn ghen tơi bời
Ai ơi ở vậy cho rồi
Còn hơn lấy lẽ, chồng người khổ ta.
15. Thân em như ớt chín cây,
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng.
16. Thân em như cái chuông vàng,
Để trong thành nội có ngàn quân canh
Thân anh như thể cái chày,
Bỏ lăn, bỏ lúc chờ ngày động chuông.
17. Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh than mỏng, kẻ thô than dày.
18. Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
19. Thân em chẳng đáng mấy tiền
Vì tình em nặng, mấy nghìn cũng mua.
20. Đêm ơi hỡi đêm, trông cho mau sáng
Ngày ơi hỡi ngày, tắt ráng cho mau.
Để em ra khỏi nhà giàu
Kẻo nay cơm thừa, mai canh cặn, tối nằm sau có lều.
21. Thương thay thân phận con tằm,
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.
Thương thay lũ kiến li ti,
Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.
22. Thương thay hạc lánh đường mây,
Chim bay mỏi cánh biết ngày nào thôi
Thương thay con cuốc giữa trời,
Dầu kêu ra máu có người nào nghe.
23. Nhớ xưa anh bủng anh beo
Tay bưng chén thuốc lại đèo múi tranh
Bây giờ anh mạnh anh lành
Anh tham duyên mới, anh đành phụ tôi.
24. Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về với mẹ mà không có đò.
25. Mẹ em thấy của thời tham
Hang hùm cứ tưởng hang vàng ép con
Nói ra thẹn với nước non
Ngậm vào cay đắng lòng con đêm ngày.
Xem thêm: |
Ở mỗi câu ca dao trên chính là một câu chuyện, một nỗi khổ mà những người nông dân, những người phụ nữ trong xã hội phong kiến đã phải chịu đựng. Những con người với những thân phận nhỏ bé, sống âm thầm dưới đáy xã hội đã cất lên tiếng than đầy thê lương: đầu tắt mặt tối làm mà chẳng được ăn, được lưởng, thân phận long đong, lận đận của người con gái, kiếp chồng chung của những người phụ nữ xưa, sự trọng nam khinh nữ,…. Tất cả đều là sự muôn màu muôn mặt, những sự đen tối của xã hội cũ.